Không người nào nhận huyền thoại Chrissie Wellington, người vô địch Ironman World Championship ba lần, khi cô tham gia CLB TBB vào năm 2007. Nhập hội TBB đồng nghĩa với việc cô sẽ được huấn luyện bởi một trong những HLV thành công nhưng cũng đầy tranh cãi nhất của giới triathlon – Brett Sutton. Sutton là HLV trưởng của TBB – VĐV dù muốn làm gì cũng phải răm rắp tuân theo những gì ông yêu cầu, dù đó là những bài bơi interval 100m dường như không bao giờ kết thúc, chạy trên máy chạy bộ trong liên tục 3 giờ đồng hồ, hoặc đạp xe tới tận 220km. VĐV chỉ có 2 lựa chọn: chấp hành mệnh lệnh của HLV hoặc rời TBB. Với phương pháp này Sutton tạo ra một môi trường mô phỏng những áp lực lớn của bộ môn thể thao gian truân nhất thế giới. Học trò của ông dường như bị vắt kiệt mỗi ngày cho đến khi họ đạt đến một tầm cao mới, hoặc đơn giản là thất bại. Môi trường áp lực lớn đã giúp cho Wellington và đồng đội thi đấu như cưỡi ngựa xem hoa tại những giải được xem là khó khăn nhất hành tinh. Không thể phủ nhận Sutton đã tạo ra những VĐV có sức mạnh tinh thần bền bỉ, ít nhất là những ai đã sống sót qua “chế độ” của ông.
Để có thể thi đấu các môn thể thao sức bền hiệu quả, đặc biệt là triathlon, bạn cần phải có sức mạnh tinh thần bền bỉ bên cạnh một thể lực tuyệt vời. Dù bạn có đang tham vọng chiến thắng giải đấu hay phải vượt qua bài đạp dài 5 giờ liền dưới cơn mưa, một tinh thần thép và cái đầu lạnh sẽ hiểu được áp lực gây mỏi cơ và từ đó kiểm soát các thứ tiêu cực bằng cách suy nghĩ tích cực. Điều này giúp VĐV tự xây dựng được động lực, sự tự tin cũng như khả năng tập trung cao độ cho việc mình đang làm. Tim Gallwey gọi đây là một “cuộc chiến nội tâm”, một cuộc chiến mà bất kì VĐV nào cũng cần chiến thắng để có thể kết thúc thành công bất kì giải thi đấu nào.
Huyền thoại Macca
Những chiến thắng thể thao kinh điển lúc nào cũng chứa đựng những dấu ấn của một tinh thần thép. Chức vô địch của Chris “Macca” McCormacks tại giải Ironman World Championship 2010 ở Kona là một minh chứng hoàn hảo cho điều này khi mà Macca đã đánh bại đối thủ người Đức Andreas Raelert với một sức mạnh tinh thần bền bỉ hơn.
Khi chạy đến Energy Lab đầu giờ trưa ngày 9 tháng 10 năm 2010, Macca biết rõ Raelert đang rút gắn khoảng cách và đến rất gần phía sau, nhưng anh vẫn đang có lợi thế cách biệt gần 10 phút. Phần lớn VĐV chuyên nghiệp thường cố gắng bứt tốc ngay lúc này để trấn áp đối thủ, tuy nhiên Macca lại không sử dụng chiến thuật này. Anh lại quyết định chờ cho đối thủ đến gần và thi đấu một cách bình tĩnh qua những chặng đường nóng bức và gian nan nhất của Kona, đồng thời đảm bảo cho việc nạp năng lượng được thực hiện suôn sẻ. Với kinh nghiệm dày dạn, Macca hiểu rõ hơn ai hết việc dàn trải sức lực và phản ứng một cách cẩn thận với các dấu hiệu mệt mỏi từ cơ thể là chìa khóa dẫn đến thành công ở Kona. Macca để cho Raelert chạy rất gần mình nhưng vẫn giữ khoảng cách như thể nói cho đối thủ biết “bạn có thể bám đuổi tôi, nhưng sẽ không bao giờ vượt qua được”.
https://www.youtube.com/embed/L8TJXH3bcvw?feature=oembedClip cuộc so tài giữa Macca và Raelert
Dù cho Raelert đã rất cố gắng bám đuổi Macca, anh lại không có đủ sức lực cũng như tinh thần vượt qua. Ngay cả khi VĐV người Đức dừng lại tại trạm tiếp nước, Macca vẫn băng băng phía trước và không dừng lại. Macca có lẽ đã học hỏi được những kinh nghiệm quý giá từ cuộc đối đầu kinh điển giữa Mark Allen và Dave Scott năm 1989, khi mà Allen đã vượt qua Scott trong trận chiến tinh thần bằng cách duy trì động lực thay vì dừng lại. Khi đích đến chỉ còn cách 3km, Macca quay sang Raelert và nói “Dù cho kết quả như thế nào thì anh vẫn là nhà vô địch”. Thái độ của Macca cho thấy sức mạnh tinh thần tuyệt vời của một nhà vô địch. Macca bắt đầu bức tốc vào đoạn xuống dốc ở Palani Hill, đoạn đường mà phần lớn các VĐV đều đã cạn kiệt sức lực để có thể tăng tốc. Thể hình tương đối vạm vỡ hơn của Macca đã giúp anh có ít nhiều lợi thế khi xuống dốc và gia tăng khoảng cách với đối thủ.
Xây dựng sức mạnh tinh thần khi thi đấu
Tuy điều này nghe có vẻ phi logic, nhưng những ai nỗ lực không ngừng để từ bỏ những khoái lạc cũng như chịu nhiều đau khổ lại là những người hạnh phúc nhất – Brutus Hamilton, 1952.
Brutus Hamilton, HLV trưởng của tuyển điền kinh Mỹ tham dự Olympic 1952 quan niệm tập luyện chăm chỉ là chìa khóa mở cửa cho một tinh thần thi đấu kiên cường. Các bài tập của ông thường có cường độ rất nặng để tăng cường sức chịu đựng thần kinh của VĐV. Lucy Charles từng đề cập tới những buổi đạp 220km, rồi chạy 10km ngay sau đó. Bài tập này giúp việc đạp 180km dưới cái nóng của Kona trở nên dễ dàng hơn. Cựu vương Ironman Kona Craig Alexander từng nổi tiếng với bài chạy 2,5 giờ với pace nhanh hơn pace thi đấu ở các ngọn núi chập chùng tại Colorado. Mọi người biết đến Sutton với những giáo án gây ra nhiều đau đớn và kéo dài không biết điểm dừng, điển hình là việc bắt VĐV vào phòng kín, chạy trên máy chạy bộ trong 3 giờ mà không có ti vi hay bất cứ phương tiện giải trí nào.
Chấp nhận hi sinh cũng là một trong những cách phát triển sức mạnh tinh thần hiệu quả. Nhiều VĐV triathlon đỉnh cao của Úc bắt đầu sự nghiệp của họ bằng cách bay đến châu Âu và thi đấu liên tục trong suốt nhiều tuần liền. Họ không có bất kì sự hậu thuẫn nào từ nhà tài trợ. Ăn bờ ngủ bụi là việc thường ngày, và phần lớn đều phải chịu đựng sự trách móc từ gia đình khi mà người thân không thể hiểu được vì sao họ lại phải dấn thân cho một bộ môn thể thao cạnh tranh cao và nhiều rủi ro. Tất cả những yếu tố này đều góp phần xây dựng một tinh thần sắt thép cho các VĐV.
Cơ sở khoa học đằng sau sức mạnh tinh thần
Một nghiên cứu vào năm 2008 của đại học Wales cho thấy cải thiện sức mạnh tinh thần là một quá trình dài được xây dựng trên 4 nền tảng chính: môi trường thúc đẩy, con người, trải nghiệm thử thách và tham vọng thành công.
Môi trường thúc đẩy
Để xây dựng được tinh thần bền bỉ, môi trường xung quanh VĐV cần chú trọng vào quá trình tập luyện thay vì kết quả chung cuộc. HLV và các đồng sự cần luôn tập trung vào bài tập thay vì nhắc đi nhắc lại giấc mơ thắng cuộc. Suy cho cùng, chúng ta khó thể nào kiểm soát được kết quả chung cuộc, nhưng hoàn toàn có thể làm chủ được quá trình khổ luyện của bản thân. HLV bóng rổ huyền thoại John Wooden từng nhấn mạnh rằng “Thành công là khi ta làm tất cả mọi thứ để trở thành phiên bản tốt nhất mà bản thân có thể”.
Con người
Cộng đồng xung quanh VĐV, bao gồm gia đình, HLV và đồng đội, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành sức mạnh tinh thần của chúng ta. Từ ví dụ của Sutton và Grosse, ta có thể thấy họ đã tạo ra một môi trường mà chỉ có những VĐV khỏe nhất về cả thể trạng lẫn tinh thần mới có thể tồn tại.
Tuy nhiên, thay vì gò ép VĐV vào những buổi luyện tập cứng nhắc và khắc nghiệt, chúng ta có thể cải thiện tinh thần thi đấu bằng cách tạo điều kiện cho họ thấu hiểu điểm mạnh của bản thân và từ đó tìm ra những phương pháp củng cố tâm lí mạnh mẽ hơn khi thi đấu. HLV nên đặt ra nhiều câu hỏi nhằm giúp cho VĐV thay đổi những hành vi gây trở ngại cho sự phát triển của họ. Một khi VĐV tìm ra được cách thích nghi phù hợp với bản thân, họ sẽ có nhiều động lực để tập luyện cũng như chịu đựng khó khăn tốt hơn.
Trải nghiệm thử thách
Những trải nghiệm mang tính thử thách sẽ ngày càng bồi đắp tinh thần thép trong bạn. Lance Armstrong là một ví dụ điển hình khi mà anh đã thắng 7 giải Tour De France liên tục sau khi chống chọi với căn bệnh ung thư. Armstrong cho biết những cơn đau mỏi khi leo đèo ở Pháp không là gì so với những cơn đau khi hóa trị. Chúng ta có thể mô phỏng những thử thách này trong quá trình tập luyện bằng cách thêm vào những bài tập với cường độ hoặc khối lượng cao, đặc biệt khi cơ thể đang trải qua những cơn đau mỏi nhất định, để tập cho tinh thần ngày một mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là lao vào tập luyện điên cuồng mà quên đi những giai đoạn hồi phục nhằm đảm bảo bạn ngày càng tiến bộ chứ không thụt lùi bởi chấn thương.
Tham vọng chiến thắng
Khi mơ ước chiến thắng càng lớn, tinh thần thi đấu của chúng ta sẽ càng có cơ hội trở nên mạnh mẽ hơn. VĐV từ các nước nghèo thường xem thành công trong thể thao là cách duy nhất để họ có thể vươn lên, và do đó sẽ tìm mọi giải pháp để có thể thành công. Một số VĐV khác được cha mẹ kì vọng lớn lao, trong khi đó số còn lại mong muốn thành công để thỏa mãn sự tò mò về năng lực tiềm tàng của bản thân. Cần nói thêm là bạn không nhất thiết phải thách đấu ai đó để thoả mãn tham vọng chiến thắng. Trong nhiều trường hợp, chiến thắng bản thân còn khó hơn là giành chiến thắng trước người khác. Bạn không tin? Lần tới khi tham gia một giải chạy Marathon, khi tới km thứ 30, hãy nhớ tự nhủ “không được dừng lại, không được bỏ cuộc”.
Readers' opinions (0)