Open water swimming là thuật ngữ chỉ môn thể thao bơi ngoài tự nhiên như sông, hồ, biển. Thực tế, bơi open water cũng là một trong các môn thi Olympic (còn được gọi là bơi Marathon – cự ly 10km). Bơi open water là phần thi đầu tiên trong các cuộc thi ba môn phối hợp (triathlon) và cũng là phần thi mang lại nhiều cung bậc cảm xúc nhất cho người chơi: có người hãi hùng với con sóng lớn, sợ “đứng hình” khi nhìn xuống đáy biển sâu thăm thẳm hay cũng có người thích thú khi được hòa mình vào dòng nước biển mát lạnh…
Nhìn chung, muốn bơi được trong môi trường ngoài tự nhiên thì chúng ta phải cảm thấy thoải mái, thậm chí cảm thấy thích bơi ở môi trường đó. Rất nhiều người mang trong mình nỗi sợ bơi open vì những thứ mình “không biết” và “không thể kiểm soát”. 2 trong những thứ đó là: “Có sinh vật khủng khiếp nào đó dưới nước” và “Nước sâu quá”.
Vấn đề 1: Môi trường lạ lẫm
Trước khi quyết định đi bơi ở một nơi lạ lẫm, chúng ta nên tìm hiểu về địa điểm bơi để tránh bất ngờ. Quan sát và hỏi thăm, tìm hiểu xem nơi mình bơi ở thời điểm, mùa màng này có an toàn không. Dĩ nhiên không có gì chắc chắn 100% nhưng khi làm việc này bạn cũng đã hạn chế khá nhiều rủi ro. Nếu lỡ xem phim kinh dị và có trí tưởng tượng phong phú, bạn có thể phải đối mặt với nỗi sợ từ các con vật do chính mình xây dựng lên.
Trong những trường hợp đó, hãy hít thở sâu, trấn an bản thân đó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Ngoài ra, cách tốt nhất và an toàn nhất là rủ thêm nhiều người bơi cùng và hỗ trợ chúng ta.
Vấn đề 2: Sợ độ sâu
Có nhiều người có thể bơi vài km trong bể bơi sâu 2m một cách bình thường nhưng khi ra biển hay sông hồ, với cùng độ sâu như vậy, thì không thể bơi ra được.
Chúng ta sợ vì không thấy đáy sông, đáy biển, không biết sâu bao nhiêu, hoặc cảm giác sẽ bị hút xuống đáy… Mỗi người sợ một kiểu khác nhau. Khi bị nỗi sợ tấn công, chúng ta sẽ lo lắng, thở gấp, adrenaline chạy khắp cơ thể làm tim đập nhanh, bồn chồn không yên, đầu óc mụ mị.
Bạn cần làm gì để vượt qua nỗi sợ này? Đầu tiên, bạn cần xác định bạn sợ gì và chấp nhận mình có nỗi sợ này chứ không lấp liếm nó, sau đó là thực hiện các bước nhỏ để dần biến nó thành một thứ bình thường. Điều này sẽ tốn khá nhiều thời gian nhưng là hướng đúng và cần thiết.
Các bước cải thiện nỗi sợ hãi
Thực hiện từng bước nhỏ là cho bản thân cơ hội làm quen mà không bị sốc.
Chúng ta nên làm từng bước như sau:
- Tập đứng nước nhuần nhuyễn
- Bơi ếch ngẩng đầu (đối với những bạn sợ nhìn đáy hồ sâu)
- Hiểu rằng khi bơi ở độ sâu 2m hay 20m cơ bản là như nhau: bạn đều không thể chạm chân xuống đáy và khi đã bơi tốt bạn luôn luôn nổi trên mặt nước dù nước sâu bao nhiêu đi nữa (thậm chí, kể cả bạn có bị chuột rút thì vẫn có thể nổi và bơi được với chỉ một chân và hai tay)
- Bơi mỗi đoạn ngắn ở mực nước sâu từ điểm A sang điểm B với sự hỗ trợ ở mỗi đầu. Sự hỗ trợ này có thể là đơn giản chỉ là nơi đó có thể đứng chạm chân xuống đáy được, hoặc có phao nổi để bám vào
- Bơi cùng phao kéo theo sau lưng để an tâm là mình có cái để bám khi cần giữ bình tĩnh
https://www.youtube.com/embed/HpWdZpx-y8g?feature=oembedHướng dẫn đứng nước
Là Huấn Luyện Viên bơi, tôi hiểu mỗi người có một nỗi sợ riêng khi bơi open water, và khắc phục nỗi sợ đó là một quá trình dài hoặc ngắn tuỳ vào mỗi cá nhân. Tôi tôn trọng quá trình đó và tôi cũng muốn bạn tôn trọng nỗi sợ của mình và tìm cách xoa dịu thay vì trấn áp nó.
Tóm lại, không khó để nhận ra những lời khuyên trên của tôi đều phục vụ 1 mục đích: Nắm quyền kiểm soát tình hình. Khi chúng ta biết mình có thể kiểm soát, chúng ta chắc chắn sẽ an tâm và khi đó mọi thứ sẽ nhẹ nhàng ngay thôi.
Một ví dụ nhỏ về nỗi sợ tôi từng gặp phải và cách vượt qua nó: trong dịp đi léo núi, tôi leo đến đỉnh và phải nhảy qua một khe vực rất sâu nhưng ngắn. tôi nhìn thấy khe vực đó và bắt đầu sợ, tôi cười như con dở với các bạn đi cùng khi họ kêu mình nhảy sang, nụ cười đó là cách mình lấp liếm nỗi sợ của bản thân. Sau vài phút trấn tĩnh, tôi quan sát vị trí phải nhảy, đó là một tảng đá thấp hơn chỗ tôi đang đứng tầm 1m và cái vực cũng chỉ xa tầm 1m. Như vậy, vực không quá xa mà lại còn được đáp xuống vị trí thấp hơn, tôi biết mình hoàn toàn có thể nhảy xa được nhưng nỗi sợ đang ngăn cản bước chân của tôi. Thực ra, ngoài việc lo vực sâu, có một lý do nữa mà chỉ mình tôi mới biết: tôi rất tệ trong việc nhảy cao và nhảy xa (ngày xưa khi đi học tôi nợ môn nhảy cao và nhảy xa thiếu điều suýt bị điểm liệt).
Xác định được nỗi sợ rồi, tôi tìm cách khắc phục. Nhờ 1 bạn đứng sẵn ở tảng đá bên kia để chụp tay, tôi ngồi thấp xuống để thu ngắn hơn khoảng cách giữa mắt tôi và tảng đá kia để thuyết phục bản thân rằng đó là khoảng cách thật sự rất ngắn. Cuối cùng tôi nhảy sang nhẹ nhàng và an toàn.
Sau tất cả, tôi nhận thấy đừng nên hối hả tự đốc thúc bản thân quá. Hãy cho bản thân mình chút thời gian để bình tĩnh và xem xét. Hãy đi từng bước nhỏ và vui mừng ngay cả khi mình chỉ bước được một bước nhỏ gần hơn đến mục tiêu mỗi ngày. Enjoy the process!
Readers' opinions (0)