Hiện nay, phong trào chạy bộ và triathlon (bơi-đạp-chạy) đã phát triển rất mạnh trong cộng đồng. Các VĐV trung niên là ông bố, bà mẹ sau khi tham gia các giải Marathon hay Ironman 70.3 Vietnam bỗng trở nên “nghiện” thể thao. Và cũng “thuận tự nhiên”, họ sẽ hướng cho con em mình tập thể thao giống họ, với mong muốn cả nhà cùng nhau đi race. Và đây là điều rất tốt. Việc tập luyện thể thao không những giúp trẻ em phát triển thể chất, học hỏi những kinh nghiệm sống từ công cuộc luyện tập và thi đấu của cha mẹ, giúp gia đình gắn kết hơn và biết đâu một ngày nào đó, các em lại là niềm hy vọng của thể thao Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn các bậc cha mẹ và thậm chí các HLV chạy bộ chưa có kiến thức huấn luyện cho trẻ em. Cách tập luyện của người lớn hoàn toàn không thể áp dụng cho trẻ nhỏ, đơn giản do sự khác biệt lớn về thể trạng và tâm lý. Thậm chí các chuyên gia thể thao còn khuyên trẻ vị thành niên (12-17 tuổi) không nên thi đấu cự ly dài hơn…5km! Đối với các giải Triathlon ở SEA Games hay Olympic, các VĐV bắt buộc phải trên 18 tuổi. Các VĐV nhỏ tuổi hơn (16-18 tuổi) có thể tham gia nội dung tiếp sức với cự ly chỉ bằng 1/5 cự ly tiêu chuẩn (bơi 300m, đạp xe 6.8km và chạy 2km). Vậy chúng ta nên hướng dẫn trẻ em vào con đường thể thao ra sao?
Dưới đây, tôi xin được chia sẻ một vài điều cần lưu ý khi huấn luyện cho trẻ em, dựa theo bộ hướng dẫn cho HLV của Liên Đoàn Triathlon Thế Giới (World Triathlon) để các bậc phụ huynh và các HLV tham khảo.
Cự ly thi đấu dành cho trẻ em
Để hiểu rõ về cách huấn luyện cho trẻ em, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc nhìn vào các cự ly thi đấu theo tiêu chuẩn thế giới. Dưới đây là cự ly thi đấu tối đa theo lứa tuổi của Liên Đoàn World Triathlon.
Theo bảng trên, có thể thấy cự ly chạy dài nhất cho phép với trẻ em (từ trẻ nhỏ tới trẻ vị thành niên) chỉ là 5km. Thậm chí với các bé dưới 10 tuổi, các hệ thống thi đấu quốc tế chỉ cho phép chạy 800m (với các bé 6-7 tuổi cự ly này còn ngắn hơn).
Ở lứa tuổi 6-12 tuổi, các em mới chỉ bắt đầu phát triển thể chất và cả tâm hồn. Hệ xương khớp của các bé còn yếu, không phù hợp với thể thao đường trường vốn tạo sức ép rất lớn lên cơ thể (cứ nhìn số lượng người trưởng thành bị chấn thương khi tập luyện). Tuy nhiên, các bé được bù đắp lại bằng sự dẻo dai: độ dẻo của xương, cơ, khả năng chuyển động (tư thế chạy của các bé thường đẹp hơn nhiều các runner trung niên cứng như khúc gỗ). Đây là lứa tuổi nên để các bé thử nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau để tạo cảm hứng.
Ở lứa tuổi 12-15 tuổi, các bé có thể bắt đầu chọn 1-2 môn thể thao để tập trung tập luyện. Tuy nói là tập luyện, nhưng ngay cả ở lứa tuổi này, việc tập thể thao vẫn mang tính “vui chơi”, “giải trí” nhiều hơn là tập luyện. Đá bóng cấp trường học là một ví dụ. Mục đích lớn nhất khi chơi thể thao ở lứa tuổi này vẫn là: rèn luyện thể chất, giao lưu tiếp xúc xã hội và … vui.
Từ 15 tuổi trở lên, các bé có thể bắt đầu tập luyện chuyên sâu vào một môn. Ở một số nước có nền thể thao phát triển, đây là giai đoạn vàng để phát triển khả năng bơi lội, điền kinh…
Phương pháp tập luyện cho trẻ em
Lấy ví dụ nhà vô địch Mo Farah (HCV Olympic cự ly 10.000m): Mo chỉ bắt đầu thi đấu cự ly 1500m khi qua tuổi 14 và tới năm 17 tuổi anh mới thi cự ly 5000m (theo UK Athletics Power of 10). Từ đó cho thấy Mo Farah chú trọng vào tập luyện và thi đấu cự ly ngắn trước để có thời gian cải thiện kỹ thuật và rèn luyện tốc độ, đồng thời giảm nguy cơ chấn thương. Đây không phải là cách tiếp cận duy nhất trong thi đấu đỉnh cao, nhưng các nền thể thao tiên tiến và các VĐV chuyên nghiệp thường sử dụng cách tiếp cận này, thay vì ngay lập tức thi đấu nội dung đường trường như Marathon hay Ironman 140.6.
Một sai lầm tai hại nhất khi huấn luyện cho trẻ em là áp dụng phương pháp “tập quá ngưỡng” như với người lớn. Trẻ em và các VĐV trẻ tuổi không cần nhồi thể lực quá nhiều. Như đã đề cập ở trên, trẻ em chỉ nên thi đấu ở cự ly 1-2km. Và trong quá trình tập luyện, cha mẹ hoặc HLV có thể cho các bé chạy dài tối đa 1.5km hoặc 4km. Đặc biệt lưu ý các buổi chạy dài này phải ở mức nhẹ nhàng (chạy ưa khí/hiếu khí) và chỉ thực hiện tối đa một lần mỗi tuần. Đừng quên chương trình hoạt động trong tuần của bé cũng có thể có các buổi đá bóng hay đánh cầu lông, song song với tập chạy, cũng là những bộ môn đòi hỏi di chuyển nhiều.
Môn bơi thì có một chút khác biệt. Nếu bé thi đấu ở cự ly 200m (môn bơi lội hoặc triathlon), một buổi bơi của bé có thể dài hơn nhiều 200m. Nhìn chung, các bé vẫn chỉ nên bơi liên tục 200-400m. Nhưng các HLV có thể để các bé bơi vài tổ ở cự ly đó, và những tổ bơi này chỉ là một phần trong giáo án buổi tập bao gồm khởi động, bơi drills, tập kỹ thuật, bơi ngắn, bơi thả lỏng. Lý do là vì bơi lội không gây sức ép lớn tới cơ thể như chạy bộ, nên rủi ro chấn thương cũng thấp hơn. Ngoài ra, bơi lội cũng là môn thể thao rất tốt để phát triển chiều cao và thể chất nói chung cho các bé.
Chương trình tập luyện ở từng lứa tuổi
6-12 tuổi
- Bé cần được trải nghiệm nhiều môn thể thao khác nhau, và cả những hoạt động thể chất khác như dã ngoại…
- Chương trình tập luyện với thiên hướng vui chơi, giải trí. Các trò chơi thể thao cần đơn giản, phù hợp với sự phát triển trí não và tư duy của trẻ em ở lứa tuổi này (trẻ ở lứa tuổi này chỉ có sức tập trung ngắn, thích nô đùa cùng bạn bè v.v..)
- Phụ huynh và HLV cần hiểu rằng trẻ em cần thời gian để phát triển kỹ năng, không nên ép các bé phải tập luyện đủ, đúng theo mục tiêu
- Thi đấu cần phải vui
- Trong thi đấu, người lớn cần đề ra và thực hiện luật fair play. Trẻ em như búp trên cành, tuyệt đối tránh dạy các bé tiểu xảo, chiến thắng bằng mọi giá v.v..
- Tải trọng và cường độ tập luyện phải được tăng chậm và dần dần
- Bé trai và bé gái nên chơi cùng nhau để tăng tính tương tác xã hội
12-17 tuổi
- Các HLV lưu ý đây là giai đoạn “nổi loạn”. Thành tích đi xuống sẽ rất dễ làm các bé nản lòng và ngừng tập luyện
- Cần có sự lắng nghe và trao đổi thường xuyên giữa ba bên: phụ huynh, trẻ em và HLV
- Cần có sự hướng dẫn từ phụ huynh và HLV đối với những em có tương lai thể thao, bao gồm kỹ năng quản lý thời gian và cuộc sống (cân bằng giữa học tập và thể thao, tầm quan trọng của nghỉ ngơi v.v..)
- Tập luyện chú trọng vào chất lượng thay vì khối lượng. Cần có feedback thường xuyên giữa HLV và các em
- Các cuộc thi có thể dần dần nghiêm túc hơn và thường xuyên hơn
- Cần đặt ra những mục tiêu phát triển con người và trách nhiệm cho các bé
- Phụ huynh và HLV cần hỗ trợ các bé về mặt tâm lý (tránh mắc nhiếc, so sánh, luôn cổ vũ)
17 tuổi trở lên
- VĐV tuổi thiếu niên cần bắt đầu xác định trách nhiệm cao hơn trong những quyết định của mình về con đường thể thao
- Tăng khối lượng và cường độ trong giáo án
- Các bài tập sẽ có định hướng nhất định trong từng giai đoạn: cải thiện tốc độ, cải thiện cơ bắp v.v..
- Các VĐV thiếu niên cũng nên bắt đầu tìm hiểu về khoa học thể thao liên quan tới bộ môn của mình
- Xây dựng nền tảng sức bền đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này
- Các bài tập ở ngưỡng threshold (ngưỡng kỵ khí – anaerobic) cũng nên được tăng dần về khối lượng và cường độ
- Huấn luyện thể chất phải được đi kèm với huấn luyện tâm lý (tâm lý thi đấu, tâm lý đối mặt với stress v.v..)
- Cần có sự hướng dẫn từ phụ huynh và HLV đối với những em có tương lai thể thao, bao gồm kỹ năng quản lý thời gian và cuộc sống (cân bằng giữa học tập và thể thao, tầm quan trọng của nghỉ ngơi v.v..)
Readers' opinions (0)